15 phút vì học sinh thân yêu
Từ thuở ấu thơ, ta thường được các thầy cô dạy bảo: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình”. Lớn lên, ta còn được biết đó là lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh, ta biết thêm: “Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to”. Nhật Bản - một đất nước với điều kiện tự nhiên thật khắc nghiệt, sóng thần và núi lửa, động đất thường xuyên gây thiệt hại cho nền kinh tế, theo thống kê của các nhà khoa học có khoảng 1500 cơn địa chấn xảy ra mỗi năm, một đất nước rất khó khăn sau Thế chiến thứ II bởi thất bại thảm hại trên khắp các chiến trường. Nhưng đất nước đó đã nhanh chóng vươn lên trở thành nền kinh tế hùng mạnh trên thế giới sau Mỹ hơn 60 năm qua. Vì sao? Một sức mạnh, một nguồn lực vô hình nào đã làm nên kỳ tích. Có một câu chuyện đã xảy ra ở nước Nhật sau Thế chiến II. Thời ấy, năm 1957 khi mà người Liên Xô chưa
chinh phục vũ trụ, (Yuri Gagarin bay vòng quanh trên quỹ đạo trái đất 1961), người Mỹ chưa đặt chân lên bề mặt của Mặt Trăng (Neil Armstrong bước chân đầu tiên vào năm 1969), thì việc thám hiểm Nam Cực là một chuyện phi thường. Người Nhật muốn tiên
phong đặt chân lên vùng đất Nam Cực, nơi khắc nghiệt nhất hành tinh, chỉ có như vậy nước Nhật mới lấy lại uy tín trên trường quốc tế, mang vinh quang về cho dân tộc. Trong cuộc đua chinh phục Nam Cực, nhiều nước trên thế giới không muốn Nhật tham gia kể cả Bộ Tài chính Nhật cũng không đồng ý cấp kinh phí cho việc thám hiểm Nam Cực. Giữa lúc ý chí của Đoàn thám hiểm sắp tàn lụi thì có một cậu bé tuổi nhi đồng
nghèo khổ, nhếch nhác đã đặt vào tay một người của đoàn thám hiểm một đồng tiền cắc và bảo các anh hãy dùng số tiền này để lên đường thám hiểm. Tới đây, có lẽ người lớn chúng ta phì cười vì nghĩ rằng đó chỉ là một ý nghĩ ngây ngô của trẻ nhỏ, một đồng cắc chưa mua được viên kẹo thì làm sao có thể làm nên kỳ tích, một kế hoạch ngang tầm với việc đưa người lên cung trăng, một việc nếu thành công có thể mang lại vinh quang cho dân tộc. Nhưng câu chuyện đã phát triển và kết quả của nó khiến người lớn chúng ta phải suy nghĩ. Từ một em bé góp một đồng tiền lại có thêm một em bé khác và hai, ba em bé khác nữa, rồi cả khu phố. Đến lúc này thì câu chuyện không còn là của khu phố ấy nữa.
Nỗi khao khát được nhìn tận mắt một chú Chim Cánh Cụt đã trở thành khát vọng của trẻ em toàn quốc, mỗi một khu phố đều có một thùng quyên góp cho cuộc thám hiểm. Người lớn, những người như chúng ta, cũng vào cuộc và rồi câu chuyện ấy đã được đặt lên bàn của chính phủ, nó trở thành đề tài của quốc gia, Bộ Tài Chính cuối cùng đã ủng hộ và người Nhật đã thành công và từ đó không ngừng phát triển lớn mạnh. Sự lớn mạnh của Nhật Bản không phải vì họ được đặt chân lên miền đất trắng mà do họ có những con người trẻ tuổi nóng bỏng nhiệt huyết, một lòng đoàn kết tuy góp sức nhỏ nhoi nhưng nhiều điều nhỏ cộng lại thành một việc phi thường. Và một câu chuyện tương tự như vậy cũng đang diễn ra tại trường THPT Tân Thạnh. Xin tạm gọi câu chuyện đó là “15 phút vì học sinh”.1/4 là một phân số không lớn
nhưng ¼ bề mặt trái đất chính là đất liền thì cái không gian đó nó bao la vô cùng. Trong cái không gian đó có một người ngày qua ngày sau giờ lên lớp góp nhặt từng chiếc chai nhựa để chắp cánh ước mơ cho từng đứa học trò nghèo thân thương. Tới đây cũng giống như câu chuyện trước về chiếc đồng cắc nhỏ nhoi và Nam Cực rộng lớn, có lẽ cũng sẽ có những người lớn (như chúng ta) phì cười. Bởi việc nhặt vài chiếc chai nhựa có khó khăn gì, ai làm chẳng được; ngoài kia có bao người vẫn nhặt ve chai cả chục năm trời bất kể ngày đêm sao không nói đến.
Nhưng không! Việc làm tuy nhỏ nhưng với lòng nhân ái lớn của một cô giáo bình dị đã làm thức tỉnh nhiều người, từ tập thể giáo viên đến học sinh, kể cả những học sinh chưa ngoan của trường giờ đây mỗi khi thấy bóng cô thấp thoáng dưới hiên đều bước ra phụ giúp gom nhặt từng chiếc chai, trút nước thừa, bỏ vào bao cân bán nhằm góp tiền chăm lo cho học sinh nghèo có được những bữa trưa no dạ ấm lòng, có được những tấm áo trắng tinh tươm đến trường cùng chúng bạn và có được những quyển tập viết nên những ước mơ hoài bão của tuổi học trò hồn nhiên...vô tư....lặng lẽ....chuyên cần....bền bỉ.....Nếu những người nhặt ve chai cặm cụi gom góp từng cân giấy, từng cân sắt vụn vì mái ấm nhỏ của riêng mình thì cô giáo nhỏ ngày ngày cần mẫn nhặt nhạnh từng chiếc chai là để dành cho một mái ấm chung có rất rất nhiều mảnh đời cần sự sẻ chia của cộng đồng. Do đó có thể nói, mỗi lần cúi người nhặt một chiếc chai, cô lại thắp nên một ngọn nến lung linh ấm áp của tình thương, của lòng nhân ái. Một ngọn nến nhỏ bé không thể xé toạc màn đêm song ánh sáng của nhiều ngọn nến cộng lại đã hóa thành phép nhiệm màu xua tan đi phần nào bóng đen của cái nghèo, cái khổ, cái dốt và cả sự vô cảm, vị kỷ trong tâm hồn của rất nhiều người đang bị dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại cuốn trôi đi. Trong bài viết này, tôi xin được phép không thống kê bao nhiêu kg chai nhựa đã được bán, bao nhiêu tiền được trao và bao nhiêu học sinh đã được nhận học bổng. Bởi lẽ tôi cho rằng những con số khô khan ấy là vô nghĩa và quá đời thường, đôi khi điều đó làm mất đi sự trân quý của những em học sinh đã được nhận quà của cô. Ở góc độ nào đó, bài viết chỉ đề cập đến mô hình trợ giúp học sinh trong việc xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực trong giai đoạn cán bộ, đảng viên, giáo viên, công nhân viên và học sinh toàn ngành giáo dục đang thực hiện chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính Trị. Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh người lớn chúng ta xin đừng vì bệnh thành tích mà dùng một bảng thống kê đầy ắp những con số làm thước đo cho những tấm lòng vàng. Bởi lẽ, con số càng nhiều, càng chi li đồng nghĩa với việc ta kể công cách mạng và làm mất đi ý nghĩa ban đầu của hành động là xuất phát từ sự vô tư,thầm lặng...
Chúng ta nên biết rằng hiện nay có rất nhiều thầy cô giáo nhỏ như cô và nhiều emhọc sinh cùng chung tay, góp sức, mỗi người dành ra 15’ rỗi của mình làm một việc có ích.
- 15’ giáo dục đạo đức cho các em học sinh cá biệt.
- 15’ tư vấn sức khỏe sinh sản cho các em.
- 15’ truy bài đầu giờ, ôn bài cho học sinh yếu.
- 15’ chăm sóc bồn hoa, nhổ cỏ vườn trường.
- 15’ thu gom và phân loại các chai nhựa làm kế hoạch nhỏ.
v.v...............
Nhiều người thay nhau chung tay góp sức, nhiều khoảng thời gian 15’ như vậy cộng lại toàn trường mỗi ngày có trên 3 giờ làm việc có ý
nghĩa. Nếu tiếp tục nhân rộng mô hình thì:
15’/GV x 60GV =
15’/HS x 1040HS =
Tổng cộng số giờ làm việc hàng ngày, hàng tháng, hàng năm có ý nghĩa của cả tỉnh, cả nước......... nhiều …không thể kể hết.
Và tương lai không xa đất nước chúng ta sẽ vươn lên tầm cao mới vì có những con người trẻ tuổi dám nghĩ, dám làm và có cái tâm trong sáng.